Má phanh có tác dụng là tạo áp lực lên rôto phanh (đĩa phanh) để làm chậm hoặc dừng ô tô. Má phanh mòn không đều cho thấy phanh của bạn cần được điều chỉnh.
Trong quá trình làm việc, các má phanh sẽ bị hao mòn, sự hao mòn này sẽ có nhiều kiểu phát sinh do vấn đề của xe cũng như điều kiện làm việc. Hiểu được tình trạng mòn trên má phanh cho phép bạn dễ dàng tìm ra giải pháp để khắc phục mọi sự cố hiện có.
Xem thêm: 10 vấn đề hàng đầu về hệ thống phanh mà mọi lái xe cần biết
1. Cách hoạt động của má phanh
Để hiểu được độ mòn má phanh đúng cách, trước tiên bạn cần hiểu cách hoạt động của má phanh. Quá trình bắt đầu khi bạn nhấn bàn đạp phanh và kết quả dừng lại tùy theo mức độ bạn nhấn bàn đạp phanh.
Bước 1: Tìm hiểu đường dầu phanh. Đường dầu phanh là đường ống dẫn dầu phanh, truyền lực từ xilanh tổng phanh tới các xilanh bánh xe.
Dầu phanh thực chất là dầu thủy lực, nó nhận lực tác dụng từ bàn đạp phanh thông qua xilanh tổng phanh, đẩy pít-tông ở cuối đường ống dầu phanh xuống (xilanh bánh xe), từ đó đẩy má phanh về phía rôto, làm xe chậm lại hoặc dừng hẳn tùy thuộc vào lực tác dụng.
Áp suất truyền qua dầu phanh thủy lực lớn hơn nhiều so với lực mà người lái xe có thể tác dụng riêng lẻ. Áp suất thủy lực được tác dụng lên mỗi bánh xe khi nhấn bàn đạp phanh xuống.
Bước 2: Tìm hiểu về bộ kẹp phanh (càng phanh). Càng phanh giữ các miếng má phanh ở đúng vị trí và ép chúng vào đĩa phanh, tạo ma sát để dừng xe.
Khi lắp càng phanh trên xe, bạn có thể chọn giữa càng nổi (di động) và càng cố định. Càng nổi di chuyển vào và ra so với rôto và đi kèm với một hoặc hai pít-tông ở bên trong kẹp phanh. Các piston của một càng phanh nổi sẽ đẩy toàn bộ kẹp phanh khi phanh, tạo ra ma sát từ cả hai kẹp phanh.
Càng phanh cố định có piston ở cả bên trong và bên ngoài càng phanh. Càng phanh cố định cho hiệu suất tốt hơn loại thả nổi và được ưa chuộng vì lý do này.
Bước 3: Tìm hiểu má phanh. Má phanh được cấu tạo bởi một tấm đệm bằng thép với một mặt được phủ vật liệu ma sát.
Mục đích của má phanh là bám chặt đĩa phanh khi nhấn bàn đạp phanh, làm chậm hoặc dừng phương tiện mà chúng được lắp trên đó. Khi chọn má phanh, bạn có thể chọn giữa một vài vật liệu khác nhau. Bảng dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về chúng.
Bước 4: Tìm hiểu về đĩa phanh. Đĩa phanh hay còn gọi là Rotor phanh chính là cái tạo cho má phanh một cái gì đó để bám và làm chậm bánh xe khi chạy chậm hoặc dừng xe.
Rotor là một bộ phận rất bền, tồn tại qua nhiều lần thay má phanh. Thường được sản xuất bằng gang, một số vật liệu khác bao gồm vật liệu composite, chẳng hạn như carbon hoặc gốm gia cường.
Cảnh báo: Khi bạn không kịp thời thay má phanh mòn có thể dẫn đến gây sẹo xước bề mặt đĩa phanh và giảm hiệu suất của đĩa phanh.
2. Các kiểu mòn má phanh
Kiểu mòn trên má phanh nói lên rất nhiều điều về thiết lập phanh của bạn. Nói chung, nó cho biết rằng các má phanh được lắp đặt không chính xác và cần điều chỉnh. Bạn nên kiểm tra má phanh thường xuyên để đảm bảo rằng chúng có cần thay mới hay không. Tính trung bình, bạn nên thay thế má phanh của bạn mỗi 80.000 km, mặc dù điều đó có thể thay đổi tùy theo độ bền phanh má phanh, môi trường bạn lái xe, và thói quen lái xe của riêng cá nhân của bạn.
Bước 1: Xác định mòn đều. Bạn cần sự mòn đều cả má phanh bên trong và bên ngoài trên mỗi bánh xe.
Dấu hiệu của sự mòn đều má phanh được biểu thị bằng lượng vật liệu bằng nhau trên cả hai miếng má phanh cho mỗi bánh xe.
Mẹo: Bạn nên xác định mòn má phanh với chỉ báo độ mòn. Chỉ báo mòn cho bạn biết khi nào cần thay má phanh bằng âm thanh, cảm biến hoặc bằng cách kiểm tra bằng mắt chỉ báo trên má phanh.
Bước 2: Mòn má phanh bên ngoài. Đối với kiểu mòn này, miếng má phanh bên ngoài có ít chất liệu hơn miếng má bên trong.
Loại mòn này xảy ra khi má phanh bên ngoài tiếp tục tựa vào đĩa phanh, ngay cả khi nhả càng phanh. Đây là dấu hiệu của các chốt dẫn hướng, ống lót hoặc thanh trượt bị trục trặc. Cách đơn giản nhất để khắc phục sự cố này là thay thế càng phanh và má phanh.
Bước 3: Mòn má phanh bên trong. Dấu hiệu mòn quá mức trên má phanh bên trong là dấu hiệu mạnh cho thấy má phanh này đang tựa vào đĩa phanh ngay cả khi càng phanh đã nhả.
Dạng mòn này là dấu hiệu chắc chắn của phớt bị mòn, hỏng càng phanh hoặc ăn mòn do tiếp xúc với điều kiện ẩm ướt. Cũng như việc má phanh bên ngoài bị mòn quá mức, thay thế càng phanh và má phanh là cách dễ nhất để khắc phục loại mòn này.
Bước 4: Mòn kiểu côn. Dạng mòn thứ ba, mòn côn trên má phanh, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy má phanh được lắp không chính xác.
Má phanh sẽ có vẻ dốc từ phần này sang phần khác. Sự mòn của các chốt dẫn hướng và càng phanh trượt ở một bên của má phanh cũng là một nguyên nhân có thể gây ra sự mòn như vậy. Để khắc phục sự cố này, hãy thay thế càng phanh và có thể cả má phanh.
Bước 5: Các vết nứt, bong tróc, gồ ghề, tráng bóng. Má phanh tráng bóng hoặc nứt với các cạnh bị nâng lên là dấu hiệu của nhiều vấn đề.
Hầu hết các nguyên nhân phổ biến gây ra sự cố như vậy ở má phanh là sử dụng quá mức, càng phanh bị trục trặc hoặc má phanh bị lỗi. Ngoài ra, phanh tay không được thu lại hoàn toàn có thể gây ra sự biến dạng của má phanh.
Cách dễ nhất để khắc phục sự cố này là thay má phanh và điều chỉnh phanh tay nếu cần.
Bước 6: Xuất hiện các lớp vật liệu ma sát chồng lên nhau. Trong kiểu mòn này, mép trên của má phanh chồng lên mặt trên của đĩa phanh.
Các nguyên nhân phổ biến bao gồm việc lắp đặt má phanh hoặc đĩa phanh sai kích cỡ trên xe của bạn hoặc do mòn quá mức trên các chốt dẫn hướng hoặc càng phanh. Để khắc phục sự cố này, hãy lắp má phanh hoặc đĩa phanh đúng kích cỡ trên xe của bạn.
Việc mòn má phanh không đều rất dễ sửa chữa. Bằng cách thực hiện các điều chỉnh cần thiết hoặc bằng cách lắp đặt các bộ phận có kích thước chính xác.