Wide open throttle – WOT là gì?
Wide open throttle – WOT – Bướm ga hay van tiết lưu mở rộng, còn được gọi là bướm ga toàn phần, là trạng thái bướm ga mở hoàn toàn trên động cơ (động cơ đốt trong hoặc động cơ hơi nước). Thuật ngữ này cũng thường dùng để chỉ trạng thái tốc độ tối đa khi vận hành động cơ, là kết quả bình thường của bướm ga/van tiết lưu mở hoàn toàn. Trong động cơ đốt trong, trạng thái này đòi hỏi lượng không khí và nhiên liệu nạp vào tối đa xảy ra khi bướm ga bên trong bộ chế hòa khí hoặc thân bướm ga “mở rộng” (mở hoàn toàn), tạo ra lực cản nhỏ nhất đối với luồng không khí đi vào. Trong trường hợp của ô tô, WOT là khi nhấn hết chân ga, đôi khi được gọi là “gạt hết ga” (vì bộ điều khiển bướm ga của ô tô thường là bàn đạp, do đó bướm ga toàn phần được chọn bằng cách nhấn bàn đạp xuống sàn hoặc gần hết mức có thể). Bướm ga trên động cơ hơi nước kiểm soát lượng hơi nước được đưa đến các xi-lanh từ nồi hơi.
Trong trường hợp động cơ diesel không có van tiết lưu, WOT là điểm mà lượng nhiên liệu tối đa được phun vào so với lượng không khí được động cơ bơm vào, thường là để đưa hỗn hợp nhiên liệu-không khí lên đến điểm tỷ lệ cân bằng hóa học. Nếu phun thêm nhiên liệu thì sẽ tạo ra khói đen. (Bất kể bản chất phi nghĩa đen của thuật ngữ này khi áp dụng cho bối cảnh diesel, thì nó vẫn phổ biến theo nghĩa bóng và được hiểu rõ.)
Khi bướm ga mở rộng, độ chân không của ống góp giảm. Áp suất ống góp cao hơn cho phép nhiều không khí hơn đi vào xi lanh đốt cháy, do đó cần thêm nhiên liệu để cân bằng phản ứng đốt cháy. (Bộ chế hòa khí và hệ thống phun nhiên liệu được bố trí sao cho cung cấp tỷ lệ không khí-nhiên liệu chính xác khi các điều kiện thay đổi động.) Không khí và nhiên liệu bổ sung phản ứng với nhau tạo ra nhiều công suất hơn.
Vị trí bướm ga là điểm dữ liệu trong điều khiển động cơ điện tử và trong chẩn đoán tích hợp trên xe (On-board diagnostic – OBD). Trong nhiều thế hệ và thiết kế của các bộ điều khiển động cơ, cảm biến vị trí bướm ga (throttle position sensor – TPS) thường là một trong những cảm biến cung cấp dữ liệu đầu vào cho máy tính. Thường thì một cảm biến đo tỷ lệ không khí-nhiên liệu cũng được sử dụng.
Trong cả lý thuyết điều khiển (có sự tham gia của con người và máy móc) và logic điều khiển (như một ứng dụng dựa trên máy móc của lý thuyết này), khái niệm về bướm ga mở rộng có thể được chia thành ý định của người vận hành, vị trí bướm ga, hiệu ứng kết quả/tổng hợp đối với trạng thái động cơ đang chạy tại mỗi thời điểm và các vòng phản hồi giữa các yếu tố đó. Điều này đúng ngay cả trong một hệ thống không có điều khiển điện tử, chẳng hạn như khi người vận hành giữ bướm ga mở (bàn đạp hết cỡ) để khắc phục tình trạng ngập/ngộp (Flooded engine) trong động cơ chế hòa khí. Mục đích của WOT trong trường hợp đó không phải là tăng tốc động cơ (thậm chí còn chưa chạy) mà chỉ đơn giản là điều chỉnh tỷ lệ không khí-nhiên liệu đủ để động cơ khởi động. Trong điều khiển điện tử, phản hồi giữa các yếu tố có thể được tinh chỉnh và khai thác theo vô số cách, thậm chí đến mức trong các hệ thống truyền động bằng dây, đầu vào của người vận hành (là vị trí bàn đạp) là mối quan tâm hoàn toàn riêng biệt với vị trí bướm ga và máy tính liên tục đưa ra quyết định mới về cách hai yếu tố này nên tương quan với nhau khi trạng thái động cơ đang chạy thay đổi từ giây này sang giây khác. Vào thời đại chế hòa khí, chế hòa khí có các vòi phun và mạch nhiên liệu được sắp xếp theo một logic nhất định để khắc phục sự khác biệt tạm thời giữa các thay đổi vị trí bướm ga và tác động của chúng lên quá trình hoạt động của động cơ.